Ngân hàng đua nhau ưu ái doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: minh hoạ
Trước khi chủ trương áp trần lãi suất 15% với 4 đối tượng được công bố, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã thực hiện đợt hạ lãi suất cho vay bên cạnh chính sách ưu đãi cho một số khách hàng thuộc các lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất kinh doanh. Tổng hạn mức của đợt ưu đãi này lên tới 5.000 tỷ đồng. Trong đó lãi suất cho vay ưu đãi giảm mạnh nhất lên tới 2% một năm. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng tung gói tín dụng ưu đãi với lãi suất vay thấp hơn 3% so với các khoản vay thông thường áp dụng cho các doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp xuất khẩu, sản xuất kinh doanh.
"Chủ trương giảm lãi suất vay lần này của chúng tôi nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, VPBank cũng muốn dành ra một lượng vốn nhất định để đáp ứng cho các đối tượng vay ưu đãi theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, giúp khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay", một đại diện lãnh đạo của VPBank chia sẻ.
VPBank cũng hưởng ứng Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước bằng việc lên kế hoạch điều chỉnh mức lãi suất cho vay một số lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa là 15% một năm. Dự kiến, mức lãi suất cho vay 15% sẽ được VPBank áp dụng từ ngày 8/5 tới.
Trước đó, tháng 9/2011, nhà băng này áp dụng chính sách vay vốn lưu động với lãi suất ưu đãi cho một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu lâm nông thuỷ sản... với hạn mức lên tới 3.000 tỷ đồng.
Ngân hàng SHB cũng dành ra 5.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và xuất khẩu, đồng thời cấp hạn mức tín dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ lãi suất 15% một năm. Maritime Bank cũng dùng 2.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chế biến thuỷ hải sản, sản xuất, kinh doanh phân bón, hoá chất, thuốc…
Nhìn nhận về động thái giảm lãi vay trên, ông Huỳnh Bửu Quang, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC cho rằng, lãi suất đầu vào chỉ còn 12%, cộng với động thái giảm nhanh của lãi suất liên ngân hàng trong thời gian qua, buộc lãi đầu ra phải hạ xuống.
Ngoài ra, theo vị Phó tổng thì với giai đoạn hiện nay, không chỉ doanh nghiệp khó khăn mà ngay cả đầu ra của ngân hàng cũng bị tắc. Do đó, về phía Ngân hàng Nhà nước đã có động thái hối thúc giảm lãi suất, nhưng Bộ tài chính cũng phải giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp để tạo ra sự vận hành nhịp nhàng trong nền kinh tế. "Sức giảm lãi suất trên thị trường thời gian tới có nhanh hay không sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế", ông Quang nhấn mạnh.
Đại diện Ngân hàng MB thì lý giải, hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất cần nguồn vốn tốt phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Việc cho vay ưu đãi lần này của nhà băng nhằm hiện thực hoá chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng hướng vào phục vụ sản xuất kinh doanh.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Lãnh đạo Công ty Phong Lan (TP HCM) cho biết, hiện tại đơn vị ông đã vay nhà băng với lãi suất khoảng 16,5%, giảm 1% so với trước đó.
Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nhìn nhận, mặt bằng lãi suất dành cho những đối tượng thuộc nhóm ưu tiên như xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn cơ bản đã về mức quanh 15-16% một năm.
Tuy nhiên, theo ông Kiêm, hiện nay chỉ có một phần đáng kể doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này. "Thời gian tới, nếu cơ quan quản lý làm nghiêm, không để ngân hàng nào vượt trần huy động 12%, thì lãi vay có thể về 14-15%. Khi đó, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi dễ dàng hơn", ông Kiêm nói.
Trong khi đó, kết quả khảo sát của ACB vừa được Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu Lý Xuân Hải công bố mới đây cho thấy, có 30-35% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được vốn ngân hàng, 30% nói khó tiếp cận và 30% còn lại không hề tiếp cận được. Vấn đề chính với những đối tượng này là do thủ tục rườm rà (70%) và lãi suất cao chiếm 36%.
Ông Hải cho rằng, để dễ dàng tiếp cận vốn, bản thân doanh nghiệp cần phải có ngành nghề cốt lõi; minh bạch và công khai hoá tài chính, nên quen với việc sử dụng tư vấn, đặc biệt là tư vấn khả năng xây dựng các chương trình kinh doanh dài hạn và chiến lược. Xây dựng ý thức tuân thủ kỷ luật, nhất là kỷ luật tài chính để tạo chữ tín với các ngân hàng thương mại.
Tiến sĩ Trần Vinh Dự, Tổng giám đốc TNK Capital Partners thì chỉ ra rằng, doanh nghiệp khi tìm đến thị trường tài chính, nơi luôn có nhiều rào cản nhưng lại thường nóng vội. Theo ông, dòng tiền sẽ luôn chảy về doanh nghiệp nào sử dụng nó hiệu quả nhất. Việc huy động này là một quá trình lâu dài. Sự chuẩn bị thật kỹ mới giúp giảm được thời gian huy động và giảm đi các thương vụ thất bại.
Theo Lệ Thanh (VNE)
No comments:
Post a Comment