chocolate | video converter | download winrar |
Tại hội nghị triển khai thị trường phát điện cạnh tranh được tổ chức hôm qua (18.5), Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng vẫn yêu cầu cần thực hiện hết sức thận trọng, có thí điểm để rút kinh nghiệm.Nghi ngại cạnh tranh không lành mạnh
Trên thực tế, chỉ còn chưa đầy 1 tháng rưỡi nữa là thị trường cạnh tranh thí điểm đã vận hành. Song tại hội ngày 18.5, một số ý kiến của các nhà máy điện độc lập ngoài EVN vẫn tỏ rõ sự lo ngại.
Đại diện TCty Điện lực dầu khí VN (PV Power) cho rằng: Khi thí điểm thị trường điện cạnh tranh và áp dụng điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường mới giải quyết được về giá bán điện cho EVN. Trong khi các Cty phát điện cho EVN chưa thấy có được cải thiện đầu ra hay không. Theo quy định tại thông tư 41 mà Bộ Công Thương ban hành, thì chi phí sửa chữa, bảo dưỡng lớn các tổ máy (chi phí O&M) chỉ tính theo VND và chỉ cho phép trượt giá 2,5%.
Nhưng trên thực tế, đối với các nhà máy điện khí như NĐ Cà Mau, Nhơn Trạch 1- 2, chiếm đến 80% chi phí O&M là ngoại tệ, phần nội tệ còn lại chắc chắn vượt hơn mức cho phép 2,5% (vì hiện CPI đã xấp xỉ trên mức 10%). "Nếu chúng tôi ký hợp đồng bảo trì dài hạn tới 20-30-40 năm, thì khi chi phí đầu ra của EVN được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, liệu chúng tôi có được tính đúng, tính đủ chi phí không?" - người đại diện PV Power băn khoăn.
Chia sẻ ý kiến này, ông Nguyễn Minh Quốc - TGĐ Cty điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 - đơn vị đang phát điện cho EVN bằng hợp đồng tạm tính mà chưa thể ký được hợp đồng mua bán điện chính thức vì nhiều chi phí còn bất đồng - khẳng định: Điều chỉnh giá điện mới thấy EVN được "cởi trói", còn nhà đầu tư dự án điện chưa rõ được lợi gì. Nếu giá điện từ 1.6 tới tăng 5%, thậm chí có thể tăng đến 10 cent/kWh, nhưng chúng tôi ký bán cho EVN hợp đồng chỉ có 5 cent/kWh cho cả đời dự án liệu có được điều chỉnh không? Ông cũng thắc mắc, theo thiết kế thị trường điện được Cục Điều tiết điện lực đưa ra, thì vai trò của Cty mua bán điện hết sức quan trọng, nhưng Cty này chỉ là "cái bóng" của EVN, được EVN ủy quyền ký kết các hợp đồng mua bán điện với tư cách là người mua duy nhất. Lo ngại đặt ra là nếu Cty này không quản lý được dòng tiền thu được từ việc mua điện của các nhà máy điện ngoài EVN, không thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần thì các nhà máy ngoài ngành cũng không biết kêu ai?...
Phải thí điểm thận trọng
Theo kế hoạch vận hành thị trường điện, thị trường phát điện cạnh tranh dự kiến sẽ triển khai theo 2 bước. Từ 1.7 đến hết năm 2011 là giai đoạn vận hành thí điểm. Giai đoạn này sẽ triển khai thị trường ảo (khoảng 1-2 tháng), trong đó tuy tất cả các đối tượng tham gia thị trường đều chào giá, nhưng việc chào giá, lập lịch và thanh toán chỉ được thực hiện trên giấy.
Giai đoạn 2, 1-2 tháng tiếp theo là thử nghiệm chào giá, xếp lịch và huy động theo bản chào, tính toán theo thị trường nhưng chưa thanh toán theo thị trường toàn bộ sản lượng điện phát. Giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, khoảng 4-5 tháng mới là chào giá, huy động theo bản chào và thanh toán theo thị trường. Giai đoạn vận hành chính thức sẽ bắt đầu từ năm 2012-2014.
Trong tháng 5.2011, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Điều tiết điện lực phải hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết; trước ngày 15.6, hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin tối thiểu để vận hành thị trường. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu: Triển khai thị trường điện cạnh tranh phải được làm hết sức thận trọng.
Thị trường phát điện cạnh tranh là giai đoạn đầu của thị trường điện, tiếp theo sẽ là thị trường bán buôn điện cạnh tranh và sau năm 2012 sẽ là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Song, thị trường điện chỉ là công cụ để nâng cao năng lực cung ứng điện, đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện ở mức cao với giá điện phù hợp. Nếu thực hiện thị trường điện mà giá điện quá cao, các Cty phát điện không thể tham gia được thị trường thì xem như thị trường điện chưa thành công.
Hồng Quân
No comments:
Post a Comment