(Dân trí) - Trong số 8 ngân hàng công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011, chỉ có Ngân hàng Bản Việt (tên gọi cũ là Gia Định) có mức thu nhập bình quân dưới 10 triệu đồng/người/tháng. Các ngân hàng khác đều có mức thu nhập trên 14 triệu đồng/tháng/người.
Nhân viên ngân hàng nhận mức lương cao ngất ngưởng (ảnh minh hoạ).
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 vừa được 8 ngân hàng công bố, mức thu nhập bình quân của nhân viên tăng trên 30% so với năm 2010.
Bất ngờ lớn nhất thuộc về Ngân hàng Phát triển Mekong - MDBank (tên cũ là Ngân hàng Mỹ Xuyên) với mức thu nhập tăng vọt từ 7,8 triệu lên 16,8 triệu đồng/người/tháng.
Số lượng nhân viên của MDBank trong năm qua cũng tăng mạnh từ 533 lên 1.356 người.
Với con số trên cho thấy, mức thu nhập bình quân của nhân viên MDBank còn cao hơn cả thu nhập của nhân viên của nhiều ngân hàng lớn như: Ngân hàng Quân Đội (16,3 triệu), BIDV (15,3 triệu) và ACB (14,3 triệu)…
Và trong số 8 ngân hàng vừa công bố báo cáo kiểm toán năm 2011, duy nhất Ngân hàng Bản Việt (tên cũ là Ngân hàng Gia Định) có mức thu nhập bình quân dưới 10 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, mức thu nhập của nhân viên Ngân hàng Bản Việt cũng đã tăng từ 6,8 triệu lên 9,4 triệu đồng/người/tháng so với năm 2010, tức tăng tới 39%.
Số liệu từ báo cáo tài chính của các ngân hàng cũng cho thấy, trong năm 2011, ngoài nhân viên MDBank có thu nhập tăng hơn gấp đôi thì thu nhập của nhân viên BIDV, ACB, SHB và Viet Capital Bank đều tăng hơn 30% so với năm 2010.
Mức thu nhập của nhân viên các ngân hàng lớn như: Vietinbank, Vietcombank tăng từ 6%-10% so với năm 2010. Cụ thể, Vietinbank trả lương cho nhân viên lên tới 21,6 triệu đồng/người/tháng và Vietcombank là 18,4 triệu đồng/người/tháng. Đây là hai ngân hàng trả lương cho nhân viên cao nhất hiện nay và cũng là 2 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất.
Trước đó, số liệu từ báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV/2011 của một số ngân hàng cũng đã hé lộ mức thu nhập khủng của nhân viên ngành ngân hàng.
Theo số liệu từ báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2011 của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên ngân hàng này trong năm 2011 khoảng 22,4 triệu đồng/tháng.
Còn theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV năm 2011 của Ngân hàng công thương Việt Nam (Vietinbank), lương bình quân của cán bộ, nhân viên ngân hàng đạt 20,27 triệu đồng/tháng, còn thu nhập trung bình là 20,76 triệu đồng. Năm 2011, Vietinbank có lợi nhuận trước thuế 8.105 tỷ đồng.
So với năm 2010, khi thu nhập bình quân đạt 18,52 triệu đồng và lương là 17,9 triệu đồng, năm 2011, nhân viên Vietinbank được hưởng lương cao hơn khoảng gần 3 triệu đồng/tháng.
Năm 2011, thu nhập của nhân viên Sacombank nhiều khả năng tăng đột biến so với năm 2010 khi tổng quỹ lương tăng gấp đôi trong khi số lượng nhân viên chỉ tăng khoảng 13%.
Theo báo cáo tài chính 2011 chưa kiểm toán của ngân hàng mẹ Sacombank, các chi phí cho nhân viên đã tăng gấp đôi so với năm 2010, từ 907 tỷ lên 1.816 tỷ đồng. Trong đó, chi lương và phụ cấp tăng từ 817 tỷ lên 1.690 tỷ đồng.
Còn hiện tại, Sacombank hiện chưa công bố báo cáo đã qua kiểm toán, nhưng chắc chắn mức thu nhập của nhân viên Sacombank đã tăng mạnh trong năm qua. Bởi quỹ lương của ngân hàng này tăng 100% trong khi số lượng nhân viên chỉ tăng 13%...
(Dân trí) - Nhiều người vẫn cho rằng, những người nắm giữ những vị trí hàng đầu trong công ty như CEO, COO…ngoài năng lực chuyên môn, còn phải luôn thận trọng trong từng "lời ăn tiếng nói". Trên thực tế, đôi khi họ vẫn không tránh khỏi những câu "lỡ miệng", hay cử chỉ "không đẹp".
Dưới đây là 10 pha "sẩy miệng" nhớ đời của 10 nhà quản lý hàng đầu thế giới.
1. Carol Bartz- Yahoo!
Bà
Carol Bartz trở thành CEO của Yahoo! vào tháng 1 năm 2009 và ngay lập tức được biết đến với những lời nói hết sức cộc cằn. Ngày đầu tiên nhậm chức, bà cảnh báo toàn bộ nhân viên rằng nếu để rò rỉ các bí mật của công ty thì ngay lập tức sẽ bị "đá văng lên tận chỗ chết tiệt nào đó trên sao Hoả ".
Trước tiếng tăm không mấy dễ chịu ấy, Michael Arrington - người sáng lập công ty TechCrunch đã liên hệ và có một cuộc phỏng vấn trực tiếp với Carol Bartz. Trong đó, Arrington cố lấy lòng bà bằng cách mở đầu với một câu hỏi bất lịch sự: "Bà dạo này thế quái nào rồi?". Không mấy ngạc nhiên, bà Bartz bị cuốn ngay vào cuộc trò chuyện. Song bà dần nổi nóng khi Arrington chỉ trích Yahoo!. Cuối cùng, để chặn họng anh ta và kết thúc cuộc hẹn, bà quát thẳng vào mặt Arrington rằng: "Công ty của anh mới chỉ bằng con kiến thôi! Biến đi!"
Thực tế, câu chuyện trên đây lại khiến cho nhiều người hâm mộ và yêu mến bà Bartz hơn. Khi đọc mẩu tin này, anh Kawasaki - một blogger công nghệ đã đăng trên trang blog của mình rằng: "Giờ đây tôi thậm chí còn kính trọng Carol Bartz hơn trước!"
2. Jeff Skilling - Enron
Jeff Skilling là cựu chủ tịch tập đoàn năng lượng Enron tại Houston- một cái tên xuất hiện trên nhiều mặt báo bởi bê bối tài chính năm 2001. Cả ông Skilling và chủ tịch đương nhiệm - ông Kenneth Lay đã dính líu đến một vụ scandal ầm ỹ hồi tháng 4.
Tại một hội thảo có sự góp mặt đông đủ của các chuyên gia phân tích chứng khoán và cánh báo chí, giám đốc điều hành của đơn vị quản lý vốn Highfields - ông Richard Grubman yêu cầu công ty Eron công khai bản đối chiếu thu chi. Tuy nhiên yêu cầu trên của Grubman bị từ chối và ông này cho rằng: "Công ty Eron là thể chế tài chính duy nhất không thể trình bất kỳ đối chiếu thu chi hay văn bản kế toán nào".
Đầy bất ngờ, ông Skilling đáp lại: "Vâng, xin cảm ơn rất nhiều! Chúng tôi đánh giá cao điều đó! Đồ con lừa!"
3. Steve Ballmer - Microsoft
Steve
Ballmer trở thành CEO của tập đoàn Microsoft từ năm 2000. Ông nhanh chóng lọt vào danh sách các tỷ phú hàng đầu trên thế giới của tạp chí Forbes . Ông cũng được biết đến với sự nhiệt huyết và tạo nên những cơn sốt trên You Tube. Tuy nhiên, vỏ bọc bề ngoài đó đã bị bóc trần bởi Mark Lucovsky - cựu kỹ sư máy tính tại Microsoft mới được tuyển vào tập đoàn Google.
Lucovsky tiết lộ rằng khi Ballmer biết chuyện anh bỏ Microsoft để gia nhập Google, Ballmer đã ném thẳng một chiếc ghế ra khỏi văn phòng và mắng nhiếc CEO của Google - ông Eric Schmidt: "Tôi sẽ chôn sống thằng cha khốn nạn đó. Tôi đã từng làm thế và sẽ không dừng lại. Tôi sẽ khiến cho Google nát bét!"
4. Raj Rajaratnam - Galleon
Trong số những bằng chứng buộc tội Raj Rajaratnam vì thông đồng trong các vụ mua bán trái phép, có cuộn băng ghi âm lại các cuộc điện thoại của ông này đặc biệt bị lên án. Một trong số đó là cuộc gọi tới người anh trai Regnan ngày 25/3/2008 - sau khi Raj mua gần 126.000 cổ phiếu của tập đoàn Clearwire nhờ thông đồng trước với một cổ đông tên là Sprint Nextel. Đoạn băng ghi lại những đánh giá không mấy hay ho của Regnan về vụ làm ăn. Luật sư của họ, ông John Dowd cũng bị camera của đài CNBC ghi lại cử chỉ khiếm nhã trước công chúng và phát ngôn gây sốc: "Chúng tôi là những thằng cha chó đẻ!"
5. Donald J. Tomnitz - D. R. Horton
D. R. Horton là nhà thầu xây dựng lớn nhất nước Mỹ. Hằng năm, công ty này tuyển dụng khoảng 3.000 lao động từ hơn 26 bang. Tuy nhiên Horton không thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhà đất do suy thoái kinh tế toàn cầu và "kẹt" trong những dự án và công trình xây dựng lớn, ngồi nhìn đất đai mất giá từng ngày.
Trong một hội thảo tại New York đầu năm 2007, ông Donald J. Tomnitz - CEO của tập đoàn bày tỏ hi vọng công việc làm ăn sáng sủa trở lại và giá nhà đất sớm lên vào cuối năm. "Tôi chả buồn đạo đức giả ở đây nữa. Cả năm 2007 này, 12 tháng - không tháng chết tiệt nào ra hồn!". Phát ngôn "hoa mỹ" của vị CEO này trở thành nguồn cảm hứng của một trang web với lực lượng anti - Horton hùng hậu tên là drhortonsucks.info.
6. Mel Karmazin - Sirius
Sirius XM Radio Inc. là một công ty truyền thanh phủ sóng radio vệ tinh cho vùng Bắc Mỹ. Công ty này ban đầu là đài truyền thanh vệ tinh Sirius thành lập vào năm 2002 với các mục tin tức, âm nhạc, thể thao. Năm 2006, Howard Stern đã chi 500 USD mua lại trọn gói nhà đài, song Sirius bắt đầu làm ăn thua lỗ. Vào năm 2007, giá cổ phiếu của doanh nghiệp này giảm xuống còn 2,90 USD.
Tháng 5 năm đó, Sirius tổ chức một cuộc họp các cổ đông ở New York City . Tại đây, vị CEO hệ thống - ông Mel Karmazin khẳng định trước các cổ đông rằng họ vẫn đang đầu tư đúng hướng. Thay vì dự đoán sự hồi phục của cổ phiếu, ông lại nói về đối thủ đáng gườm nhất của công ty - XM Satellite Radio: "Dù công ty của chúng ta đang rơi vào tình cảnh khó khăn thì vẫn chưa xuống chó như XM!". Không lâu sau phát ngôn thô lỗ này, hai doanh nghiệp trên đã sáp nhập thành công ty XM Radio hiện nay.
7. Mark Zuckerberg - Facebook
Mạng xã hội Facebook kể từ năm 2004 đã trở nên hết sức quen thuộc với mọi người. Tuy nhiên, người dùng luôn phải lo lắng về các vấn đề bảo mật cá nhân trên trang web này. CEO của facebook- Mark Zuckerberg đã từng lên tiếng đáp lại những lo ngại trên. Song một nhân viên của công ty- anh Charlie Cheever lại vô tư nói: "Tôi cảm thấy ông Mark không hẳn đã tin tưởng vào tính bảo mật cá nhân như đã khẳng định".
Đồng thời, trong một cuộc trò chuyện của Zuckerberg với một người bạn bị rò rỉ, ông tiết lộ sở hữu 4.000 email, ảnh và địa chỉ cá nhân của người dùng. Khi người bạn nọ thắc mắc tại sao Mark có được lượng lớn thông tin cá nhân như thế, ông bèn đáp: "Mọi người cứ tự gửi chúng cho tôi. Tôi chả hiểu! Họ tin tôi chăng? Quỷ tha ma bắt!".
8. Ben Baldanza - Spirit Airlines
Spirit Airline là một hãng hàng không giá rẻ tại bang Florida - Mỹ. Hãng này dùng nhiều "mánh lới" để giữ giá vé thấp như đánh thuế khách hàng cho đồ uống và kiểm tra hành lý. Trong khi nhiều công ty muốn lật tẩy mánh khoé ranh ma này thì ông Ben Baldanza - CEO của hãng lại vỗ ngực tự hào.
Ông biện luận rằng là một công ty nhỏ, Spirit phải "đi tiên phong", và nếu khách hàng không thoả mãn với dịch vụ của họ thì "nên chọn hãng khác mà bay". Năm 2007, một hành khách giận dữ gửi email tới hãng và được chuyển cho ông Baldanza. Ông trả lời với nhân viên của mình rằng: "Tôi chả nghĩ chúng ta nợ nần gì hắn. Cứ để hắn kêu ca với đời rằng công ty ta tệ hại thế nào. Hắn có bao giờ mua vé máy bay của hãng đâu! Còn khi mà biết sẽ tiết kiệm được dù chỉ một xu thì đảm bảo sẽ tự động vác mặt đến thôi!"
Thật trớ trêu, ông Baldanza nhấn nhầm mục "trả lời tất cả" và lời lẽ đắng cay trên bị truyền tới tất cả các nhân viên trong công ty cũng như các khách hàng bất bình khác. Họ chẳng ngần ngại gì phát tán thông điệp này lên khắp các trang mạng.
9. Albert Lord - Sallie Mae
Sallie Mae là tổ chức hỗ trợ vay vốn cho sinh viên. Ông Albert Lord - CEO của doanh nghiệp này gia nhập công ty vào năm 1981 và trở thành giám đốc điều hành năm 1995. Sau đó chính ông đã đưa công ty từ một doanh nghiệp nhà nước chuyển dịch sang cơ chế tư nhân. Ông từ chức vào năm 2008, để lại nhiều câu hỏi trước dư luận.
Có vẻ như nguyên nhân là do một cuộc hội nghị đã diễn ra khá tồi tệ. Khi cuộc họp kết thúc, ông thở phào vì không còn ai thắc mắc gì và nói với toàn thể thành viên tham gia rằng: "Hãy xéo hết ngay cho khuất mắt!"
10. Dov Charney - American Apparel
American Apparel là một doanh nghiệp dệt may thành lập tại Los Angeles bởi CEO - ông Dov Charney. Ông được ca ngợi bởi không bóc lột sức lao động của công nhân, trả lương công bằng. Song người ra cũng nhắc đến những vụ kiện ông này lạm dụng tình dục, dù Charney luôn được xử trắng án. Một trong số đó có một nữ đồng nghiệp tố cáo rằng Charney đã khoe hàng trước mặt cô ta.
Trên tờ Jewish Journal, ông Charney đã bác bỏ lời cáo buộc bằng một phát ngôn gây sốc: "Tôi sẵn sàng tụt ra ngay bây giờ, và tôi đảm bảo với cô rằng không ai có thể cưỡng lại được tôi!".
Cuối tháng 3-2012, hơn 20 dự án nhà đất sẽ được tung ra chào bán với nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng
Sau khi ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu tính đến chuyện rút tiền tiết kiệm để chuyển sang kênh đầu tư khác. Các doanh nghiệp đầu tư và môi giới bất động sản (BĐS) cũng có lý do để kỳ vọng có thể bán được hàng.
Ngân hàng "mở két"
Cũng trong thời điểm này, một lý do khiến cho các doanh nghiệp BĐS có thêm hy vọng khi mà nguồn vốn các ngân hàng dành cho mảng tín dụng cá nhân đang tăng lên sau một năm bị hạn chế bởi quy định của Ngân hàng Nhà nước. Bản thân các ngân hàng cũng kỳ vọng sau khi điều chỉnh giảm lãi suất sẽ thu hút được khách hàng cá nhân trở lại vay vốn mua nhà, căn hộ, nhất là khi giá nhà chung cư đã giảm dần.
Mới đây, Ngân hàng HSBC thông báo giảm đáng kể lãi suất các khoản vay dành cho khách hàng cá nhân gồm: vay mua nhà để ở, vay thế chấp và vay mua xe… Đầu tuần này, HSBC chính thức áp dụng mức lãi suất ưu đãi giảm 2%/năm so với mức thông thường. Tuy nhiên, mức lãi suất dài hạn tốt nhất dành cho khách hàng cá nhân vay thế chấp vẫn là 18,9%/năm.
Nhiều chủ đầu tư đang kỳ vọng khách hàng quay trở lại thị trường nhà đất. Ảnh: C.T.V
Riêng đối với khách hàng lần đầu vay thế chấp, HSBC có sự ưu đãi hơn với mức lãi suất cho vay thoả thuận là 15,9%/năm. Ngân hàng ANZ Việt Nam cũng vừa có chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các khoản vay mua nhà, vay thế chấp nhà dành cho tất cả khách hàng nộp hồ sơ vay mới từ nay đến hết ngày 31-5 và giải ngân trước 30-6. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng vừa đưa ra hạn mức cho vay lên đến 7.000 tỉ đồng với lãi suất thấp cho khách hàng cá nhân.
Ngân hàng này cũng đã giảm lãi suất cho vay trung bình đến 1,5%/năm so với lãi suất đang áp dụng từ đầu năm 2012, và cho biết đang tập trung nguồn vốn để đẩy mạnh cho vay phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh của cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa và vay mua nhà để ở của khách hàng cá nhân. Lãnh đạo ACB cho biết trong hơn một năm qua, dư nợ đối với khách hàng cá nhân hầu như không tăng trưởng. Do đó, với chính sách ưu đãi lãi suất sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho khách hàng tiếp cận vốn. Tăng chính sách ưu đãi
Để kích sức mua của thị trường, một số chủ đầu tư dự án đang đưa ra chương trình người mua trả 50% giá trị căn hộ, phần còn lại sẽ trả góp trong một thời gian, được hỗ trợ lãi suất, dãn tiến độ thanh toán, thậm chí có chủ đầu tư còn tuyên bố cho người mua vay tiền trả góp với lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng cho vay hiện nay. Vào cuối tháng 3, khá nhiều công ty địa ốc tham gia vào "Tuần lễ an cư" được tổ chức tại Cung Văn hoá Lao động TPHCM cũng áp dụng mô hình bán trả góp này nhằm khuấy động thị trường. Tại sự kiện này, các công ty địa ốc sẽ chào bán hơn 20 dự án đã hoàn thiện và sẵn sàng giao nhà ngay, trải rộng trên các khu vực quận, huyện của TP với nhiều chính sách đặc biệt.
Ngoài ra, người mua còn có cơ hội tiếp cận với hơn 1.000 bất động sản nhà phố và đất nền dự án khác. Theo ban tổ chức, chương trình này thì phân khúc căn hộ, hầu hết doanh nghiệp tham gia đều công bố chính sách thanh toán 50% giá trị căn hộ và trả góp trong vòng 1 đến 2 năm được hỗ trợ lãi suất.
Tiền sẽ chảy vào nhà đất?
Câu hỏi này được khá nhiều người hỏi và hy vọng câu trả lời sẽ là có. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, lãi suất huy động giảm xuống 1% thực ra chẳng có tác dụng bao nhiêu đối với hoạt động đầu tư và đầu cơ. Động thái này không mạnh đến nỗi có thể khiến những người có tiền gửi tiết kiệm có thể rút ngay tiền ra để đầu tư vào BĐS.
Trước thực tế hiện nay, một số nhận định cho rằng dù lãi suất có tiếp tục giảm mạnh hơn nữa, có thể giảm khoảng 2% chẳng hạn thì thị trường cũng khó có thể có các đợt sóng mạnh, khó đẩy được lượng cầu bởi tâm lý của những người có nhu cầu thực luôn ngóng sự giảm giá thêm. Trên thực tế, nhu cầu về vốn của khách hàng cá nhân mua nhà để ở là rất lớn, đồng thời đây cũng được xem là mảng tín dụng có tiềm năng phát triển. Thế nhưng, mức lãi suất cho vay vốn đối với cá nhân dù đã giảm nhưng vẫn là gánh nặng đối với những người cần vốn mua nhà.
Trong bảng thống kê thông tin tuần của Ngân hàng Nhà nước từ ngày 18 đến 24-2 cũng cho thấy lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất từ 21%-25%/năm. Nhiều người vẫn đang kỳ vọng một mức lãi suất thấp hơn mới gõ cửa ngân hàng. Còn phía các nhà đầu tư thứ cấp thì lại đang mong mỏi và hy vọng rằng lộ trình hạ lãi suất sẽ giúp họ có thể đẩy được lượng hàng đang bị "kẹt" bấy lâu nay. Họ cho rằng sau mỗi động thái của các chính sách thì thị trường cũng cần có độ trễ, cần có thời gian mới mong có biến chuyển.
ANTĐ - Sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Bộ Tài chính dự kiến sẽ nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng hiện hành lên 6 triệu đồng/tháng với hiệu lực đề xuất từ 1/1/2014.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN đã được công chúng "ngóng tin" từ nhiều tháng qua vì liên quan tới quyền lợi sát sườn tới đời sống dân sinh. Chiều nay (8/3), Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo công bố nội dung sửa đổi này.
Một trong những điểm được nhiều người dân quan tâm nhất là mức giảm trừ gia cảnh, giảm trừ cho người phụ thuộc.
Theo đó, ngoài việc tăng mức giảm trừ gia cảnh thêm 2 triệu đồng so với hiện hành, Bộ Tài chính còn dự kiến sẽ nới mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu/tháng hiện nay lên 2,4 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mỗi năm, mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người dân nộp thuế là 78 triệu đồng/năm, mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tính cả năm là 28,8 triệu đồng/năm. Theo Bộ Tài chính, đây là mức phù hợp.
Mức giảm trừ gia cảnh này được Bộ Tài chính lý giải là dựa trên cách tính phải cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân tại thời điểm có hiệu lực. Nói cách khác, mức 6 triệu đồng/tháng giảm trừ gia cảnh được dự báo sẽ cao hơn thu nhập bình quân của người dân Việt Nam vào năm 2014.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Như Mai khẳng định, trong phương án giảm trừ gia cảnh này, đã căn cứ vào tốc độ trượt giá CPI, tốc độ tăng GDP bình quân và tiền lương tối thiểu dự kiến năm 2014. Để sửa Luật, Bộ đang tham khảo các phương án cao với mức cụ thể là thu nhập tiền lương tối thiểu của cán bộ công chức sẽ ở khoảng 1,67 triệu đồng/tháng vào năm 2014 , đồng thời, tham khảo mức thu nhập bình quân đầu người do Tổng cục Thống kê công bố.
So GDP bình quân theo đầu người vào năm 2014, mức 6 triệu đồng/tháng giảm trừ gia cảnh đã tương đương 1,7 lần. Nếu so với tiền lương tối thiểu dự kiến như trên, mức giảm trừ gia cảnh trên cũng đã cao gấp 3,6 lần.
Bà Mai nhấn mạnh, không có nước nào tính toán mức giảm trừ gia cảnh vào 1 chỉ tiêu cụ thể nào, như thu nhập, mức sống thu nhập mà họ cũng căn cứ nhiều yếu tố, đặc biệt, họ còn quan tâm đến mục tiêu và khả năng huy động ngân sách.
Cùng với điều chỉnh tăng mức giảm trừ, Bộ Tài chính dự kiến sửa cả biểu thuế luỹ tiến từng phần. Từ hiện hành, có 7 bậc nộp thuế thì Luật sửa đổi sẽ chỉ còn 6 bậc. Mức thuế suất cao nhất sẽ còn là 30% thay vì 35%.
Với các tính toán đó, Luật sẽ đảm bảo người thu nhập thấp không phải chịu thuế. 70% số người đang nộp thuế ở bậc 1 sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân nữa. 70% số người dân đang nộp thuế ở bậc 2 sẽ chuyển sang nộp thuế ở bậc 1.
Đánh giá về Luật thuế Thu nhập cá nhân hiện hành có hiệu lực từ năm 2009, Bộ Tài chính cũng nhận định, do tác động khủng hoảng, giá cả tăng cao nên đời sống người dân gắp nhiều khó khăn. Mặc dù thu nhập tăng lên cùng với sự tăng trưởng kinh tế quốc gia nhưng người nộp thuế vẫn gặp khó khăn. Thực tiễn này đòi hỏi Nhà nước cần chia sẻ, nâng mức giảm trừ gia cảnh.
Nếu vẫn giữ nguyên chính sách nộp thuế như hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh 4 triệu đồng/tháng hiện nay, tính theo tốc độ tăng trưởng GDP đến năm 2014, sẽ vào khoảng 5,85 triệu đồng/tháng. Nếu tính theo biến động chỉ số giá tiêu dùng CPI, mức giảm trừ này vào năm 2014, cộng yếu tố trượt giá sẽ là khoảng 6,5 triệu đồng/tháng.
Theo đó, số thu ngân sách từ tiền thuế TNCN vào năm 2014 đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công sẽ chỉ ở mức 52.000 tỷ đồng, đối với kinh doanh sẽ khoảng 4.000 tỷ đồng. Số lượng người nộp thuế trên cả nước sẽ có khoảng 4,86 triệu người, chỉ chiếm 5,5% dân số cả nước, khoảng trên 20% tổng số cá nhân được cấp mã số thuế vào năm 2014.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện tại và sau này được xem là trụ cột của nền kinh tế. Nhưng một thực tế được các chuyên gia kinh tế nhận định là nhóm này hoạt động rời rạc, tự phát, chưa phát huy hết tiềm năng.
Nhận ra những hạn chế và thách thức khi DNNVV khởi nghiệp, một dự án mang tên "Kết nối và hỗ trợ DNNVV" (SME 2011 - SME Networking and Mentoring), dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Hoa Kỳ và tài trợ của State Alumni tại Việt Nam - tổ chức quốc tế các sinh viên từng tham gia các chương trình học bổng của Bộ Ngoại giao Mỹ (Fulbright, Humphrey, International Visitor Leadership Program...), kết hợp cùng nhiều tổ chức và chuyên gia, doanh nhân đã ra đời nhằm hỗ trợ các DNNVV Việt Nam.
Ra đời vào tháng 11/2011, SME được xác định là dự án phi lợi nhuận nhưng không nhằm cấp vốn cho DNNVV hoạt động. Mục tiêu của SME là nhằm tạo cơ hội cho doanh nhân trẻ giao lưu và học hỏi kinh nghiệm thông qua hình thức cố vấn từ các doanh nhân có kinh nghiệm.
SME sẽ không áp dụng hoàn toàn mô hình cố vấn theo hình thức truyền thống, thay vào đó là cố vấn theo nhóm. Với hình thức này, tất cả các cố vấn và doanh nhân trẻ đều có cơ hội tiếp xúc, làm việc với nhau trong suốt 10 tháng, từ tháng 2 - tháng 12/2012 tại Hà Nội và TP.HCM.
Quy tụ ở SME là đội ngũ gồm 20 chuyên gia, doanh nhân: TS. Hà Xuân Trừng (cố vấn tại Tổ chức Giáo dục tư thục Everest), TS. Hoàng Ngọc Giao (Viện trưởng Viện Nghiên cứu tư vấn, chính sách, pháp luật và phát triển PLD Việt Nam), ông Võ Văn Dung (Giám đốc Marketing Công ty Bảo hiểm Nhân thọ AIA), ông Hoàng Hải Đường (Chủ tịch HĐQT Goldsun Focus Media)...
Hoàng Lê Vinh, Trưởng Ban điều hành dự án SME, cho biết: "Bốn tiêu chí được xem xét gồm: tố chất doanh nhân, độ "chín" của ý tưởng và doanh nghiệp kinh doanh, tính khả thi trong việc thực hiện ý tưởng, cuối cùng là tiềm năng phát triển và phân tích rủi ro.
SME cũng không phân biệt giữa các loại hình doanh nghiệp xã hội hay kinh doanh thuần tuý". Sau hai vòng phỏng vấn, đến nay đã có 52 DNNVV được chọn, và kể từ tháng 3/2012 sẽ bước vào giai đoạn chính của dự án.
Doanh nhân trẻ đóng vai trò chủ động: chủ động khám phá, chủ động chia sẻ, chủ động tìm hiểu và đi tìm câu trả lời dưới sự hỗ trợ từ các cố vấn và các doanh nhân trẻ khác. Kết nối với các doanh nhân thành đạt và xây dựng cộng đồng khởi nghiệp trẻ.
Mục tiêu của quá trình cố vấn không phải chỉ để giải quyết vấn đề trong ngắn hạn, mà còn phục vụ các mục tiêu lâu dài. Hoạt động cố vấn không chỉ giới hạn ở việc phát triển sự nghiệp, mà còn cả phát triển cá nhân.
Thêm vào đó, lợi ích của chương trình là những kết quả khá cụ thể như: tăng khả năng lãnh đạo và lèo lái doanh nghiệp, mở rộng quan hệ với những người có năng lực bổ sung và cố vấn, trao đổi để có những giải pháp thực tế cho doanh nghiệp, học hỏi những kinh nghiệm và kiến thức trong quản trị và kinh doanh từ cả người được tư vấn lẫn người tư vấn.
ANTĐ - Thanh tra TP Hà Nội vừa phát hiện hàng loạt sai phạm có tính chất "điển hình" như làm sai quy hoạch, thiết kế cơ sở, bán nhà không qua sàn giao dịch, nợ đọng tiền sử dụng đất... tại dự án Khu đô thị mới Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội).
Nhiều căn nhà thấp tầng ở dự án Vân Canh bán không qua sàn giao dịch
Tự "chia" dự án khi chưa được giao đất
Theo quy hoạch được duyệt, dự án Khu đô thị mới Vân Canh, do Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) làm chủ đầu tư, có diện tích 684.210m2 nằm trên 2 xã Vân Canh và xã Di Trạch, huyện Hoài Đức. Dự án được khởi động từ cuối năm 2006, khi Tập đoàn HUD đề nghị UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao đất để thực hiện dự án. Đến nay, sau hơn 5 năm triển khai, dự án đã hoàn thành nhiều hạng mục hạ tầng như san nền, hệ thống đường giao thông, thoát nước, chiếu sáng... Dự án cũng đã xây dựng nhà ở thấp tầng và tiến hành bán nhà giai đoạn I. Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra mới đây của Thanh tra TP Hà Nội, bên cạnh những việc đã làm được, dự án này còn có nhiều vi phạm.
Cụ thể, dù đã xây dựng bán hàng ra thị trường, tới nay, Tập đoàn HUD vẫn chưa soạn thảo Điều lệ quản lý điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án Vân Canh trình UBND TP phê duyệt theo yêu cầu của Sở Xây dựng từ giữa năm 2008. Cũng vào cuối năm 2008, HUD đã ký 6 hợp đồng với các công ty trực thuộc về uỷ quyền thực hiện quyền của chủ đầu tư trong việc triển khai đầu tư xây dựng và kinh doanh công trình trên một số lô đất thuộc giai đoạn I dự án. Thế nhưng, tại thời điểm đó, UBND TP chưa ra quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của dự án xây dựng Khu đô thị mới Vân Canh, tức là khi đó, HUD cũng chưa nộp tiền sử dụng đất, chưa được bàn giao đất.
Theo nội dung các hợp đồng giữa các công ty con và HUD, việc bán nhà phải thông qua trung tâm giao dịch bất động sản của bên A. Tuy nhiên, thực tế, các công ty con lại ký hợp đồng kinh doanh bán nhà thông qua các sàn giao dịch bất động sản do họ chọn mà không thông qua trung tâm giao dịch của HUD, việc làm trên sẽ ảnh hưởng quyền lợi của khách hàng trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau này. Đất cây xanh làm sân tennis
Cũng theo kết luận thanh tra, trong quá trình xây dựng nhà ở thấp tầng dự án Vân Canh, Tập đoàn HUD chưa thực hiện đúng theo quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế cơ sở. Đáng chú ý, HUD đã cho xây dựng 2 sân tennis và nhà quản lý vào khu cây xanh. Ngoài ra, các lô nhà liền kề xây dựng cũng không đúng chiều cao tầng theo quy hoạch. Một số công ty đã lập bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công và thực tế thi công không đúng so với thiết kế cơ sở được duyệt (thay đổi chiều cao tầng, bớt số cột, thay đổi chiều dài, chiều rộng nhà, kết cấu mái...).
Không chỉ vi phạm quy hoạch, ở thời điểm kiểm tra, HUD còn chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Cụ thể, HUD mới nộp 483,93 tỷ đồng trên tổng số 843,62 tỷ đồng phải nộp. Chi Cục thuế huyện Hoài Đức đã ra văn bản về việc phạt chậm nộp tiền sử dụng đất dự án Khu đô thị mới Vân Canh. Theo đó, số tiền phạt chậm nộp tính đến ngày 28-2-2011 là 226,82 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 100 tỷ đồng phạt chậm nộp của số tiền 483,93 tỷ đồng đã nộp chậm và 126,79 tỷ đồng phạt chậm nộp của số tiền sử dụng đất 359,69 tỷ đồng còn đang nợ.
Đi sâu vào các giao dịch mua bán nhà tại dự án Vân Canh, cơ quan thanh tra phát hiện, có 16 căn nhà liền kề (gồm 4 căn do Công ty HUD3 đầu tư; 4 căn do Công ty HUD8 đầu tư và 8 căn do Công ty HUD4 đầu tư) được giao lại cho Tập đoàn HUD theo yêu cầu. Năm 2009, Tập đoàn HUD ký 14 hợp đồng bán 14/16 căn nhà này không thông qua sàn giao dịch bất động sản. Theo cơ quan thanh tra, việc làm trên đã vi phạm khoản 2, Điều 22 của Luật Kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, cũng giống như các khu đô thị khác trên địa bàn Hà Nội, Tập đoàn HUD đã chậm triển khai xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, trạm xử lý nước thải so với dự án được duyệt.
Từ phân tích nêu trên, Thanh tra TP kiến nghị UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng lập hồ sơ vi phạm của Tập đoàn HUD để xử lý theo quy định. Với các công trình xây dựng không đúng so quy hoạch 1/500, Tập đoàn HUD phải có văn bản báo cáo UBND TP xem xét, nếu không thực hiện, yêu cầu Tập đoàn HUD phá dỡ công trình vi phạm, trồng cây trên diện tích này theo đúng quy hoạch.
ANTĐ - Xác nhận thông tin có một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Đà Nẵng, phía Tây Hà Nội và một vài tỉnh khác xin giảm thời gian mở cửa bán, lãnh đạo Bộ Công Thương đồng thời khẳng định nguồn cung mặt hàng này trong nước vẫn đảm bảo.
Nguồn cung xăng dầu vẫn đảm bảo
Chiều 5-3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, ông Võ Văn Quyền khẳng định: "Đúng là gần đây có hiện tượng cây xăng nhỏ ở Đà Nẵng, phía Tây Hà Nội, Đắk Nông, Đắk Lắk, Thừa Thiên Huế xin dừng bán hàng hoặc tiết giảm thời gian mở cửa. Chúng tôi đang có biện pháp can thiệp, xử lý". Thực tế này đã dấy lên lo ngại về việc nguồn cung xăng dầu sẽ bị "đứt đoạn" như sau tết năm 2011 bởi giá xăng dầu thế giới tăng cao, giá xăng trong nước vẫn giữ như cũ khiến doanh nghiệp bị lỗ, giảm nguồn cung. Ông Quyền cho rằng kịch bản này ít có khả năng lặp lại.
Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 2-2012, giá cả một số mặt hàng trên thế giới tăng đã tác động đến việc một số mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam giảm cả về lượng và giá trị. Với xăng dầu, giá thế giới tăng 18,5% khiến lượng nhập khẩu giảm 31,7%, kim ngạch giảm 19,0%. Theo ông Quyền, không thể căn cứ vào số liệu nhập khẩu này để đánh giá khả năng dự trữ xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối không đảm bảo. "Dự trữ xăng dầu hiện nay vẫn đảm bảo 30 ngày theo quy định mặc dù các doanh nghiệp đầu mối rất khó khăn, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên giám sát". Lý giải nguyên nhân lượng xăng dầu và kim ngạch nhập khẩu giảm trong tháng 2, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho rằng do tổng cầu giảm nói chung, trong đó có giảm về cầu xăng dầu.
Liên quan đến giá xăng dầu, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, hiện nay, giá cơ sở mặt hàng xăng dầu trong nước vượt giá bán lẻ hiện hành. Nếu so sánh giá mặt hàng này tại một số nước lân cận, giá xăng dầu tại Việt Nam thấp hơn. Cụ thể, tại Trung Quốc, xăng A92 26.288 đồng/lít, Lào hơn 27.000 đồng/lít… trong khi tại Việt Nam là 20.800 đồng/lít. Dầu DO tại Việt Nam cũng thấp hơn so với các nước. "Việc tăng giá xăng dầu sắp tới hay không do Bộ Tài chính quyết định. Quan điểm của Bộ Công Thương là dần đưa giá mặt hàng này theo giá thị trường nhưng vẫn phải đảm bảo an sinh xã hội. Tăng giá xăng dầu theo đề nghị của doanh nghiệp từ 800-1.000 đồng/lít thì sẽ ảnh hưởng tới lạm phát, gây mất ổn định xã hội, nhưng không tăng thì lỗ"- ông Quyền bày tỏ.
Có ý kiến cho rằng, trong khi giá xăng dầu thế giới tăng cao và trong nước giữ nguyên giá bán thì nên trích một phần thuế xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất vào quỹ bình ổn giá. Bộ Công Thương cho biết: "Trừ thuế xuất nhập khẩu điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, các loại thuế khác đều do Quốc hội quyết định". Tuy nhiên, đây cũng là một gợi ý cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề tồn tại của giá xăng dầu. Hiện nay, Bộ Công Thương đang rà soát các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và dự kiến sẽ hoàn thành muộn nhất là đầu tháng 4 tới.
(Dân trí) - Chính phủ Trung Quốc sẽ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5% trong năm nay, thấp nhất kể từ năm 2004. Trong khi đó lạm phát tiếp tục được kỳ vọng kiềm chế ở mức 4%, tương đương năm ngoái.
Đây chính là nội dung bài phát biểu của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trước Quốc vụ viện trong buổi họp thường niên tại Bắc Kinh ngày 4/3. Với động thái này dường như chính phủ Trung Quốc đang cho thấy quyết tâm chuyển hướng nền kinh tế từ dựa vào xuất khẩu và đầu tư sang tiêu dùng nội địa. Trước đó suốt từ 2005 đến 2011, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của quốc gia này luôn là 8%.
Kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng thấp hơn trong năm 2012
Việc đặt mục tiêu thấp hơn "sẽ giúp giảm bớt khả năng tung ra gói kích thích kinh tế bởi các nhà chức trách cho thấy họ hiểu rằng tiềm năng tăng trưởng đang giảm sút", Zhang Zhiwei, kinh tế trưởng của Nomura Holdings Plc tại Hong Kong phát biểu trên Bloomberg . "Trong dài hạn, nó sẽ giúp giảm rủi ro vĩ mô tại Trung Quốc và khiến tăng trưởng kinh tế bền vững hơn".
Cùng với việc hạ thấp mục tiêu tăng trưởng, chính phủ Trung Quốc sẽ duy trì chính sách tài khoá "năng động" và chính sách tiền tệ "thận trọng". Thâm hụt ngân sách được dự kiến ở mức 800 tỉ nhân dân tệ (127 tỉ USD), tương đương 1,5% GDP và giảm 0,5 điểm % so với kế hoạch năm 2011. Trong tháng 2, NHTW nước này đã hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ hai trong vòng 3 tháng để kích thích hoạt động cho vay nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Dù vậy các mục tiêu nêu trên chỉ mang tính tham khảo bởi trong nhiều năm qua tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc luôn vượt kế hoạch. Trong năm 2011, GDP của nước này tăng trưởng 9,2%. Một năm trước đó, tốc độ này đạt tới hơn 10%. Chỉ số giá tiêu dùng năm qua cũng leo thang lên mức 5,4%, vượt xa kế hoạch 4%.
Mối quan tâm hàng đầu mà chính phủ của thủ tưởng Ôn Gia Bảo đặt ra hiện nay chính là chuyển hướng nền kinh tế sang một mô hình tăng trưởng cân bằng hơn. Thời gian qua, việc lệ thuộc nhiều vào đầu tư và xuất khẩu đã khiến kinh tế nước này chịu nhiều sức ép khi lạm phát tăng còn sản xuất sụt giảm vì khủng hoảng kinh tế tại châu Âu. Trong tháng 1 vừa qua, xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm 0,5% và là tháng giảm đầu tiên trong vòng hơn 2 năm qua.
(HNMO)- Dòng tiền đã thực sự trở lại với VN-Index và HNX-Index. Nhờ vậy, hai chỉ số này đã được hỗ trợ kịp thời khỏi áp lực chốt lời sau tuần giao dịch với khối lượng khổng lồ trước đó. Kết thúc tuần 27/02 – 02/03, cả VN-Index và HNX-Index đều thành công trong việc vượt các ngưỡng cản quan trọng.
Tuần qua, VN-Index đã có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm điểm. Tích luỹ số điểm khá lớn (+16 điểm) và đóng cửa ở ngưỡng 439.60 điểm. Như vậy, chỉ số chứng khoán sàn HOSE đã chinh phục thành công ngưỡng 430 điểm- ngưỡng cản tâm lý mà nhiều công ty chứng khoán cho rằng sẽ thử thách VN-Index trong tuần vửa qua.
Chuỗi tăng thanh khoản tiếp tục được nối dài với mức tăng 27% về khối lượng so với tuần trước. Phiên giao dịch ngày 29/2 đã đánh dấu mức kỉ lục về thanh khoản trong năm 2012 với tổng giá trị đạt trên 2.300 tỉ đồng.
HNX-Index có sức bật mạnh mẽ hơn với mức tăng trưởng tuần 6.94% (4 phiên tăng và 1 phiên giảm). Chỉ số này đóng cửa ở ngưỡng 71.72 điểm, mức tăng thanh khoản đạt 18,7%.
Lực tăng của hai sàn đã vấp phải áp lực chốt lãi mạnh mẽ trong những phiên đầu tuần. Tuy nhiên, nhờ lực cầu liên tục được gia tăng và sự hỗ trợ tích cực của khối đầu tư ngoại, cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index vẫn vững đà tăng trưởng. Tuần qua, khối ngoại tập trung mua ròng vào các blue-chips như MBB, MSN, VCB, HAG… Ở chiều ngược lại, họ bán ròng mạnh STB với hơn 16 triệu đơn vị.
Thanh khoản lớn trên sàn HOSE tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng với ba đại diện là EIB, MBB và STB đều dẫn đầu top giao dịch. Xét về mức tăng trưởng, nhóm CP ngân hàng đã đạt mức tăng trung bình hơn 11% trong tuần qua.
Một vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư là việc hai sàn sẽ giao dịch cả buổi chiều trong tuần tới. Cụ thể, ngoài thời gian giao dịch buổi sáng như thường lệ, chứng khoán sẽ có thêm lịch buổi chiều với thời gian như sau: Giao dịch khớp lệnh liên tục từ 13 - 13 giờ 45 phút; khớp lệnh định kỳ đóng cửa từ 13 giờ 45 phút đến 14 giờ; giao dịch thoả thuận từ 13 - 14 giờ 15 phút.
HOSE còn đưa ra một số lưu ý khi triển khai giao dịch buổi chiều: Trong thời gian "nghỉ" giữa hai phiên sáng - chiều (từ 11 giờ 30 phút đến 13 giờ), công ty chứng khoán thành viên không được phép: đặt lệnh mới, sửa, huỷ lệnh của giao dịch khớp lệnh, huỷ giao dịch thoả thuận.
Bên cạnh đó, các lệnh khớp một phần hoặc chưa khớp và chưa bị huỷ trong phiên giao dịch buổi sáng sẽ được chuyển qua phiên giao dịch buổi chiều và tiếp tục tham gia khớp lệnh. Việc nối dài thêm thời gian giao dịch được Sở giao dịch chứng khoán kì vọng sẽ tăng thêm thanh khoản cho thị trường, vốn đang trong giai đoạn phục hồi. Việc kéo dài thời gian giao dịch sẽ được thí điểm trong vòng 3 tháng.
Tuy vậy, theo nhận định của nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm, kéo dài thời gian giao dịch chưa chắc đã làm tăng được thanh khoản của thị trường. Với khung thời gian như trên, rất có thể nhiều nhà đầu tư sẽ chuyển các lệnh quyết định của mình sang buổi chiều, sau khi thăm dò thị trường trong buổi sáng. Do vậy, làm giảm thanh khoản của phiên giao dịch sáng.